» Today: 29/03/2024
Agriculture - Forestry - Fishery
Mô hình nuôi vịt siêu trứng: An toàn - Giảm rủi ro, tăng thu nhập
Chăn nuôi vịt, nhất là nuôi vịt lấy trứng được xem như là một nghề truyền thống đối với người dân vùng ĐBSCL. Dịch cúm gia cầm H5N1 (cuối năm 2003) đẩy người nuôi vịt chạy đồng lâm vào cảnh khốn cùng, nhiều người bị phá sản vì vịt bị dịch cúm làm chết hàng loạt.


Hiện đại kết hợp truyền thống

Nuôi vịt truyền thống hiện gặp nhiều rủi ro, dễ thiệt hại khi dịch bệnh lây lan nhanh, nhà nước cấm nuôi vịt chạy đồng. Nhưng thực tế, bà con vẫn phải nuôi, vì đó không chỉ là nghề mà còn là nghiệp của nhiều người dân vùng sông nước. Đó còn là sự lãng phí của gần 4 triệu tấn lúa thu hoạch rơi vãi trên đồng. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia - một nhà khoa học gắn liền với sự thăng trầm của con vịt phía Nam bao lâu nay, việc tìm ra mô hình thay thế cho bà con là điều luôn trăn trở. Việc thay đổi sang mô hình an toàn, hiệu quả, dễ kiểm soát dịch bệnh là điều vô cùng cần thiết.

Năm 2010, mô hình nuôi vịt siêu trứng an toàn sinh học đã được nuôi thành công tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Khi áp dụng mô hình này, người nông dân không chỉ giảm được nhân công nuôi vịt, tăng tỷ lệ nuôi sống lên đến 95% (vịt chạy đồng khoảng 70% - 80%) mà bà con còn kiểm soát được dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi vịt cho trứng. Vịt bắt đầu đẻ lúc 3,5 tháng tuổi (thay vì 5,5 tháng như vịt ta), năng suất 217 - 258 quả/mái/năm. Không chỉ dừng lại ở đó, người chăn nuôi vịt theo mô hình này nên kết hợp nuôi vịt với nuôi cá và trồng hoặc thuê 2 - 3 ha lúa gần chuồng trại để vịt được chạy đồng gần. Người nông dân không chỉ thu lợi từ nuôi vịt mà còn từ cá và lúa. Có được các yếu tố này sẽ giúp người nuôi cân đối lợi nhuận khi có sự biến động về thị trường. Chị Châu Thị Cúc (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) - một trong 3 hộ đi đầu nuôi vịt lấy trứng an toàn sinh học - cho biết gia đình chị sống bằng nghề truyền thống chăn nuôi vịt nhưng nhỏ lẻ và thả đồng nhiều rủi ro, nhờ mô hình này mà giờ đây mỗi ngày thu nhập cả triệu đồng/ngày.

Mới đây, khi trở lại tìm hiểu mô hình này đã có 15 hộ nuôi gần 40.000 vịt lấy trứng tại đây. Để mô hình này thành công, đòi hỏi sự hợp lực của nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, chính quyền địa phương và sự quyết tâm của bà con. Với hỗ trợ vốn ban đầu lại có được sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật của TS Nguyễn Văn Bắc nên chị Cúc đã thực hiện đúng mô hình chăn nuôi vịt lấy trứng an toàn sinh học. Với 5.000 con, mỗi ngày chị cần khoảng 2,5 triệu đồng tiền thức ăn. Ngân hàng Sacombank hỗ trợ 10 triệu đồng để chị Cúc mua thức ăn cho vịt, xây chuồng trại, ao và thả đồng gần (khoảng 2 - 3 ha). Bằng cách nuôi này, vịt được kiểm soát việc tiêm chủng. Gia đình chị được hướng dẫn kỹ về kỹ thuật nuôi và chăm sóc. Nơi ở của vịt được đặc biệt chú trọng, luôn sạch sẽ, có ao, có chỗ nghỉ ngơi và có chuồng riêng để vịt đẻ, nhờ đó, chất lượng trứng được đảm bảo hơn so với vịt để ngoài đồng ngập nước. Chỉ 3 tháng 10 ngày, đàn vịt 5.000 con của chị đã bắt đầu đẻ lứa đầu tiên.

Thông thường lứa đầu, trứng thường nhỏ, khó bán nhưng Công ty TNHH Ba Huân mua toàn bộ từng vịt theo mô hình này. Những trứng nhỏ này phù hợp làm hột vịt Bắc Thảo. Sau 4 tháng rưỡi, chị Cúc thu lại số vốn ban đầu. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, thời gian lấy trứng của vịt này khoảng vòng 3 năm. Theo chị Cúc, trước tết, với 5.000 vịt đẻ, mỗi ngày chị thu được 4.000 trứng, bán 2.000 đồng trứng, sau tết, giá trứng giảm còn 1.800 đồng, lợi nhuận xuống, nhưng vẫn là con số rất cao. Vài trăm ngàn đồng/ngày. Tuy nhiên, chị Cúc cho biết, mùa khô khu vực này bị khan hiếm nước ngọt nên khó có thể mở rộng mô hình như ý muốn ban đầu. Bởi nuôi vịt mà thiếu nước ngọt ảnh hưởng việc đẻ trứng...

Lan tới Trà Vinh

Điều dẫn đến thành công của mô hình này chính là có sự kết hợp khá tốt giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước và ngân hàng. Công ty TNHH Ba Huân cung cấp con giống không lãi trong 1 năm (500 triệu đồng/tỉnh). Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc chịu trách nhiệm về kỹ thuật và công ty là nơi tư vấn để ngân hàng cho bà con vay xây dựng chuồng trại, thức ăn. Khi vịt đẻ trứng, Công ty Ba Huân mua lại toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường, gần đây còn kết hợp với việc cung ứng thức ăn nên người nuôi mua thức ăn 15.000 đồng/bao. Tất nhiên bà con có quyền mua thức ăn khác nhưng điều này có ý nghĩa quan trọng khi giá thức ăn chăn nuôi luôn biến động tăng như hiện nay.

Ngày 21-2 vừa qua, sau khi lãnh đạo tỉnh Trà Vinh tìm hiểu mô hình nuôi vịt lấy trứng tại Long An cho lợi nhuận cao, lại phù hợp với nghề nuôi vịt truyền thống tỉnh nhà, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức hội nghị về việc triển khai mô hình nuôi vịt lấy trứng với sự kết hợp của Công ty TNHH Ba Huân, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Chương trình Phát triển nông nghiệp của Liên hiệp quốc. Trước mắt, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Sơn Thị Ánh Hồng, các huyện Tiểu Cần, Cầu Ngang, Cầu Kè, Châu Thành... sẽ chọn điểm để xây dựng mô hình với sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển nông nghiệp (IFA thuộc Liên hiệp quốc). Lợi thế của Trà Vinh là Công ty TNHH Ba Huân đang xây dựng nhà máy chế biến trứng vịt muối tại Khu công nghiệp Long Đức (khánh thành khoảng tháng 6 tới) tạo niềm tin cho người nuôi khi còn đắn đo về đầu ra.

Sắp tới, mô hình nuôi vịt an toàn sinh học này sẽ được tỉnh Kiên Giang triển khai rộng... Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học là một trong những dự án trọng điểm của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia. Tiến sĩ Bắc cho biết, mô hình này nếu có điều kiện thì nuôi vịt, cá và lúa, nhưng cũng có thể diện tích nhỏ hơn và chỉ nuôi vịt, cá... tùy theo khả năng cũng được. Sau đó từ từ mở rộng. Để đảm bảo sự thành công, điều quan trọng là quyết tâm và sự tuân thủ nghiêm của người nuôi về quy trình mà nhà khoa học khuyến cáo.

Công Phiên
Follow http://www.vietlinh.vn (tttham)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication