» Today: 29/03/2024
Social-Humanities
Trường THPT tư thục Nguyễn Huệ (Quỳnh Phụ, Thái Bình): Lãnh đạo đi ngược chủ trương của Sở GDĐT?
Sau khi chuyển mô hình từ trường bán công sang tư thục, nhiều cán bộ giáo viên (CBGV) tại Trường THPT tư thục Nguyễn Huệ đã rất bức xúc vì cách hành xử của lãnh đạo nhà trường.


Trong khi tiền cổ phần đóng góp của CBGV trong trường là tự nguyện, không bắt buộc, thì lãnh đạo trường đã căn cứ vào số tiền CBGV đóng vào cổ phần để phân công chuyên môn, trả tiền công: Người đóng nhiều thì được phân công dạy nhiều hơn, tiền công (tính theo giờ) được trả nhiều hơn; người đóng ít thì ngược lại.

Tiền nhiều, hưởng lợi nhiều? 

Thực hiện sự chỉ đạo của sở, Trường THPT Nguyễn Huệ đã mở tài khoản độc lập tại Ngân hàng NNPTNT huyện Quỳnh Phụ, để tất cả các CBGVCNV trong trường (nếu có nhu cầu) đều có thể đóng góp tài chính. Đồng thời Ban giám hiệu thông báo rộng rãi và kêu gọi các tổ chức, cá nhân có năng lực tài chính tham gia chuyển đổi. Đến ngày 15.7.2010, có 41 người tham gia đóng góp, tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng, trong đó có 38 CBGVCNV đang công tác tại trường với số tiền gần 1,7 tỉ đồng. CBGV trong trường đóng cao nhất là 250 triệu đồng, người đóng thấp nhất là 5 triệu đồng. Trong tổng số CBGV trong trường, có khoảng 4-5 người không đóng.

Theo kết quả của cơ quan kiểm toán, thì hiện trạng cơ sở vật chất thiết bị tính đến ngày 15.7.2010 của trường là gần 4,7 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 824,8 triệu đồng; dân đóng góp hơn 3,8 tỉ đồng; còn lại là vốn vay mượn.

Tuy nhiên, sau khi Trường bán công Quỳnh Phụ chuyển sang Trường THPT tư thục Nguyễn Huệ từ ngày 1.1.2011, nhiều vấn đề đã nảy sinh. Một số GV tại đây bức xúc phản ánh: Nhà trường phân công chuyên môn dựa trên số tiền mỗi GV đóng góp, cụ thể: Một số người không đóng, hoặc đóng ít thì bị cắt giảm tiết dạy, có người bị cắt GV chủ nhiệm; còn những người đóng tiền nhiều thì được phân công nhiều tiết dạy hơn, được giao thêm nhiệm vụ chủ nhiệm. Một GV (giấu tên) không đóng cổ phần vào trường, thì kỳ 1 (khi còn là trường bán công), chị dạy 22 tiết, kỳ 2 chỉ còn 18 tiết, trong đó 10 tiết không phải chuyên môn được đào tạo. Một GV khác không đóng thì chỉ còn được dạy 4 tiết/tuần, cắt chủ nhiệm, trong khi trước đó đã dạy 23 tiết/tuần.

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của chị. Trong khi đó, có người đóng nhiều tiền thì kỳ 1 dạy 22 tiết, kỳ 2 tăng lên 28 tiết, kèm theo chức danh ủy viên thường vụ.

Các GV cho biết thêm: Chiều  13.1, trường đã họp hội đồng CBGV, đưa ra dự thảo kế hoạch chi tiêu tài chính để biểu quyết. Theo dự thảo  thì, CBGV hợp đồng theo tính chất công việc (diện cơ hữu): Cổ đông đóng góp 50 triệu đồng trở lên là GV được trả tiền công 30.000 đồng/giờ và được bố trí đủ công việc trên một định mức lao động. Cổ đông  (là GV) đóng góp dưới 50 triệu đồng ở mức 40 triệu đồng được trả 28.000 đồng/giờ; 30 triệu đồng được trả 26.000 đồng/giờ; 20 triệu đồng được trả 24.000 đồng/giờ; 10 triệu đồng được trả 22.000 đồng/giờ. Đối với GV không tham gia cổ đông được bố trí công việc theo loại hình lao động đã được ký hợp đồng thỏa thuận, trả công không quá 20.000 đồng/giờ.

Được biết, dự thảo này đã được thông qua. “Mặc dù thấy vô lý, nhưng chúng tôi phải đồng ý thôi, phản đối khác nào trứng chọi với đá”- một GV cho biết.

Thanh tra sẽ làm việc

Ông Nguyễn Văn Thiện - Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị lâm thời - cho biết: “Do chuyển sang tư thục nên làm gọn nhẹ về tổ chức là việc đương nhiên của nhà trường”. Ông Thiện thừa nhận có việc cắt giảm tiết của một số GV, nhưng điều đó căn cứ vào năng lực và phẩm chất của GV. Điều lạ là trường bắt đầu làm việc theo mô hình tư thục mới chưa đầy một tháng, vậy căn cứ vào đâu để đánh giá năng lực, phẩm chất của GV? Khi được hỏi tại sao những người bị cắt giảm tiết, thậm chí cắt chủ nhiệm là những người không đóng tiền, hoặc đóng tiền ít, còn những người đóng tiền nhiều thì được tăng tiết dạy, được làm chủ nhiệm, ông Thiện cho rằng đó chỉ là sự... trùng hợp. Tuy nhiên ông Thiện cũng thừa nhận việc phân công lại còn căn cứ vào tinh thần xây dựng nhà trường, mà đóng góp cổ phần là một thể hiện cho tinh thần đó. Rõ ràng, GV có lý khi bức xúc cho rằng việc phân công chuyên môn của nhà trường dựa trên việc đóng tiền nhiều hay không.

PV đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình - ông Hoàng Trung Thông. Sau khi gọi điện thoại xuống lãnh đạo trường để xác minh việc trả tiền dạy căn cứ vào số tiền cổ phần GV đóng góp, ông Thông cho biết: “Việc trường chi trả tiền căn cứ vào số tiền GV đóng góp như trong dự thảo kế hoạch chi tiêu tài chính là chưa phù hợp, đi ngược lại với quan điểm chỉ đạo của sở. Sở không bắt buộc giáo viên phải đóng tiền cổ phần, nhưng làm như vậy thì khác gì đi ngược lại chủ trương đó”. Việc làm trên vừa đi ngược lại chủ trương của sở, vừa có thể gây mất đoàn kết nội bộ , không phát huy, thu hút được nhân tài làm việc tại trường. Bởi đối với những GV có tài mà không có tiền đóng cổ phần, thì họ sẽ được đối xử như thế nào?

Theo ông Thông, sau này cổ đông sẽ được hưởng lợi tức theo cổ phần đóng góp mới hợp lý, chứ không thể theo cách tính trên của trường. “Chúng tôi sẽ cho Thanh tra sở xuống làm việc với trường; yêu cầu điều chỉnh lại để phù hợp với quan điểm chỉ đạo của sở” - ông Thông khẳng định.
Đoàn Tất Thảo
Follow laodong.com.vn
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication