» Today: 29/03/2024
Social-Humanities
Tác dụng trị bệnh của cây cỏ sữa
Trong thành phần của cỏ sữa có chứa nhiều acid galic, quercetin, hợp chất phenolic, một ít tinh dầu và vết alcaloid. Theo đông y, cỏ sữa có vị hơi đắng, chua, tính mát, hơi có độc, tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, giải độc, chống ngứa, thông sữa.


Toàn cây đều được dùng làm thuốc. Hiện nay, nhiều người sử dụng cây này để hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, nhưng cho đến nay chưa thấy tài liệu nào chứng minh được điều này.

Cỏ sữa lá lớn có tên khoa học là Euphoria hirta L., thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae), người Ấn thường gọi là “Lal dudhi”. Là cỏ mọc hàng năm, thân mảnh mọc đứng cao khoảng 50 cm. Nó mọc hoang như một loại cỏ và được gọi bằng nhiều tên khác nhau, người Úc gọi là “cỏ hen”, “cỏ rắn”, “cỏ lông mèo”. Dân gian Việt Nam gọi nó là “cỏ sữa” vì khi bẻ ngang thân chỗ nào cũng tiết ra một chất nhựa mủ màu trắng đục như sữa.

Tác dụng trong điều trị như sau: dùng lá cây cỏ sữa để cầm máu và điều trị các trường hợp rối loạn đường tiêu hóa, giúp hạ sốt và làm mát cơ thể. Cỏ sữa giúp làm mềm da và làm giảm kích ứng các màng nhày trong cơ thể. Cỏ sữa có tác dụng xổ nhẹ. Trong lá còn chứa nhiều cellulose. Mỗi ngày dùng 15 g cỏ sữa (dùng riêng hoặc phối hợp với 5 g hương nhu hay húng quế) ở dạng dịch ép nguyên chất, dạng bột dẻo hoặc dạng nước sắc. Chữa nhiễm khuẩn đường hô hấp như ho, cảm lạnh, sổ mũi, viêm phổi và hen suyễn nhờ tác dụng làm giãn phế quản và các mạch máu ngoại vi.

Cỏ sữa rất hữu hiệu trong việc điều trị chứng tiêu chảy. Lấy khoảng 12 g thân lá nghiền hoặc xay chung với ít nước uống sẽ giúp cầm tiêu chảy và lỵ. Chữa các rối loạn tiết niệu, sinh dục (bệnh lậu, hoa liễu, liệt dương, xuất tinh sớm hoặc những trường hợp sinh lý yếu, xuất tinh ngoài ý muốn). Lá cỏ sữa cũng được dùng để trị bệnh giun sán, đặc biệt là nhóm giun đũa, giun kim ở trẻ nhỏ.

Sản phụ thiếu sữa hoặc tắc tia sữa, cỏ sữa giúp gia tăng lượng sữa cho những phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú. Cỏ sữa còn có tác dụng làm lành các vết loét trên da. Lấy cây cỏ sữa phơi khô nghiền thành bột trộn thành khối nhão sau đó đắp lên vết thương hay vết bỏng. Làm tiêu các mụn cóc bằng cách bôi trực tiếp trên vùng da bị nhiễm. Chữa nứt môi hoặc viêm lưỡi, lấy dịch mủ của cây cỏ sữa bôi lên môi sẽ làm mau lành các vết nứt nẻ môi. Ngoài ra, lấy dịch mủ của cây cỏ sữa chà xát lên da đầu sẽ giúp cho tóc mọc mau và tăng trưởng tốt.

Cách dùng khá đơn giản: dạng trà, mỗi lần dùng khoảng 1 g, ngày 2 lần. Dạng nước sắc, 10 - 15 g, sắc với 200 ml nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Dạng cao lỏng 1/1, ngày 10 - 15 ml uống trong ngày. Dạng cồn 1 - 3 ml mỗi ngày. Dùng ngoài không kể liều lượng.

 Không nên dùng cỏ sữa liều cao vì có thể gây kích ứng dạ dày và gây nôn mửa, nên uống cùng lúc khi ăn. Khi ngộ độc có thể dẫn đến tiêu chảy và rối loạn nhịp tim, giải độc bằng nước sắc cam thảo bắc và kim ngân hoa (12 - 16 g).
DS. LÊ KIM PHỤNG
Follow Khoa hoc phổ thông (nhoanh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication