» Today: 29/03/2024
Environment
Đẩy mạnh công tác truyền thông trong quản lý POPs và hợp chất PCB tại Việt Nam
Đây là mục đích của buổi hội thảo phổ biến thông tin đến các nhà báo về các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hợp chất PCB do Dự án quản lý PCB tại Việt Nam tổ chức vào ngày 13/01/2011 tại thành phố Hòa Bình.


Hội thảo vinh dự chào đón PGS.TS.Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Trưởng ban chỉ đạo dự án PCB tại Việt Nam tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự hội thảo còn có TS. Phạm Mạnh Hoài, Giám đốc dự án PCB; ông Hoàng Minh Đạo, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Phó Giám đốc Ban QLDA PCB; ông Nguyễn Thanh Thủy, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường;  ông Nguyễn Văn Dật, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình; bà Lê Thị Ngọc Quỳnh, Phó trưởng Ban KHCN&MT, Tập đoàn điện lực Việt Nam; GS.TS. Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm CETASD, Đại học Khoa học Tự nhiên; đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công thương; đại diện Cục cảnh sát bảo vệ môi trường; các đại biểu và các phóng viên, biên tập viên đến từ 30 cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết Việt Nam đã phê chuẩn công ước Stockhom vào ngày 22/7/2002 và trở thành thành viên thứ 14 tham gia công ước này. Mục đích tổng thể của Công ước này là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

 

Ông Hoàng Minh Đạo phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng cho biết để đạt được các mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường và thực hiện Quyết định 184/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Việt Nam thực hiện công ước Stockhom đối với các chất hữu cơ khó phân hủy, Tổng cục Môi trường đã tăng cường hợp tác với các cơ quan liên quan. Đặc biệt là hợp tác với Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ làm giảm thải phát thải  PCB ra môi trường, loại bỏ các máy móc thiết bị còn chứa PCB đến năm 2020 và tiêu hủy hoàn toàn vào năm 2028. Thứ trưởng nhấn mạnh đây là không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông và toàn xã hội.

Thứ trưởng hy vọng thông qua buổi hội thảo này, các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí có được thông tin chi tiết, chính xác về các hợp chất hữu cơ khó phân hủy và hợp chất PCB, trên cơ sở đó có được các sản phẩm truyền thông trong công tác bảo vệ môi trường nhanh chóng, kịp thời và chính xác tới người dân và toàn xã hội.

 

TS.Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Tại buổi hội thảo, TS.Nguyễn Anh Tuấn, Cục Kiểm soát ô nhiễm đã trình bày chi tiết về Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy POPs và đặc biệt về PCB, là một trong 21 hợp chất thuộc POPs. Qua đó thấy rằng POPs thường có 4 đặc tính cơ bản là có độ bền cao, có tính độc đối với môi trường và sức khỏe con người, có tính lan truyền rộng trong môi trường và có sự tính lũy sinh học.

Theo ông Tuấn, kể từ sau COP4 năm 2009, đã có tới 21 nhóm chất được xếp là loại chất hữu cơ khó phân hủy và được sử dụng chủ yếu trong sản xuất công nghiệp. Ông Tuấn hy vọng thông qua các công tác truyền thông, cùng với sự quản lý nhà nước sẽ thực hiện tốt việc quản lý POPs nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

 GS.TS. Phạm Hùng Việt phát biểu tại hội thảo

Tiếp đó, GS.TS. Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm CETASD, Đại học Khoa học Tự nhiên, chuyên gia về chất độc học môi trường giới thiệu khái quát cấu tạo hợp chất PCB, lịch sử quá trình sử dụng, tính chất và sự tồn lưu, vận chuyển và hiện trạng ô nhiễm PCB trên thế giới.

Ông Việt cho biết PCB là phát minh có đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Đây là một hợp chất có rất nhiều ưu điểm, rất dễ sản xuất, rất bền, giá thành rẻ, đặc điểm, tính năng tốt. Chính vì vậy, thế giới đã sử dụng PCB từ rất lâu. Một ví dụ điển hình là trong dầu động cơ, dầu trong các biến thế điện trước đây thường có thêm hợp chất PCB nhằm giúp tăng tuổi thọ các loại dầu này.

Song, gần đây các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh được PCB là một chất cực độc. Vì vậy, việc loại bỏ PCB lại cho lợi ích rất lớn về mặt môi trường, cũng như đảm bảo được sức khỏe của con người. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới đã sản xuất khoảng 1,2 tỷ tấn PCB trong đó 65% hiện đang nằm trong các bãi rác thải, bị phá hủy hoàn toàn 4% và vẫn còn một lượng khá lớn 31% hiện đang chưa được xử lý.

 

 Bà Lê Thị Ngọc Quỳnh báo cáo về tình hình sử dụng và quản lý

hợp chất PCB của EVN

Báo cáo về tình hình sử dụng và quản lý hợp chất PCB của Tập đoàn điện lực Việt Nam tại hội thảo, bà Lê Thị Ngọc Quỳnh, Phó trưởng Ban KHCN&MT cho biết tính đến tháng 4/1998 EVN đã sử dụng 17,688 tấn dầu cách điện được cung cấp từ 17 nước trên thế giới.

Cũng theo kết quả kết quản kiểm tra sơ bộ năm 2004 và 2006 trong 9000 máy biến thế có khoảng 9.600 tấn dầu cách điện chứa PCB. Tuy nhiên cho đến nay, EVN chỉ mua các loại dầu cách điện được chứng nhận chứng chỉ  non-PCB.

Đối với công tác quản lý PCB tại Việt Nam, bà Quỳnh cho biết, kể từ năm 2003, EVN đã ban hành nhiều văn bản, quy định hướng dẫn quản lý, sử dụng dầu thải cũng như mở nhiều lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường.

Mặt khác, EVN cũng đã phối hợp với các cơ quan có chức năng quản lý, kiểm tra và thay thế các thiết bị có chứa PCB. Bà Quỳnh khẳng định từ nay đến năm 2028, EVN sẽ thay các thiết bị cũ có thể chứa PCB và chắc chắn sẽ đáp ứng được Công ước Stochom.

Đẩy mạnh công tác truyền thông bảo vệ môi trường là điều cần thiết

Nhằm giảm thiểu các rủi ro trong quản lý PCB tại Việt Nam, Ban quản lý dự án cho biết công tác truyền thông bảo vệ môi trường có thể nói là một trong nhưng ưu tiên hàng đầu. Thông qua truyền thông, ngoài sự vận động tìm kiếm sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, các bên tham gia trong quản lý và kiểm soát POPs và PCB, còn nhằm mục đích thay đổi hành vi, tư duy thực hành an toàn của người lao động, của người dân khi làm việc, tiếp xúc với POPs và PCB trong các điều kiện khác nhau.

Tại buổi hội thảo này, các đại biểu, phóng viên và biên tập viên đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ các thuận lợi và khó khăn trong công tác truyền thông bảo vệ môi trường nói chung và truyền thông trong việc quản lý POPs và PCB nói riêng để đưa ra những phương pháp truyền thông có hiệu quả, nhằm khơi dậy trách nhiệm của cộng đồng tới công tác bảo vệ môi trường.

Các ý kiến cho rằng, để thông tin được nhanh chóng và chính xác, Ban quản lý Dự án PCB tại Việt Nam cần tổ chức thường xuyên các khóa tập huấn dành cho cơ quan báo chí, truyền thông nhằm cung cấp đầy đủ  và hệ thống hóa về các chất POPs nói chung và PCB nói riêng.

Các thông tin về các hợp chất POPs và PCB cần được đăng tải kịp thời, chi tiết về các hoạt động của dự án trên website của Dự án cũng như Cổng thông tin điện tử Tổng cục Môi trường.

Một số hình ảnh tại hội thảo

 

 TS.Phạm Mạnh Hoài phát biểu tại hội thảo


 

 Toàn cảnh hội thảo


 

 Các đại biểu chụp hình kỷ niệm

                                                                                                                                             CaoTrung

http://vea.gov.vn (nthieu)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication