» Today: 29/03/2024
Informatics
Làm mát máy tính với bộ tản nhiệt bằng chất lỏng
Thường thì quạt cũng đủ khả năng làm mát cho máy vi tính rồi, nhưng đối với những người sử dụng máy có cấu hình rất mạnh mà muốn gia tăng hiệu năng của máy cũng như giảm thiểu tiếng ồn thì tản nhiệt bằng nước là giải pháp tốt hơn.


Trước đây vài năm, nhắc tới tản nhiệt cho máy tính bằng nước, người ta luôn nghĩ tới số tiền đầu tư tốn kém cho một hệ thống làm mát, trong khi thực sự nhu cầu là chưa cần thiết lắm. Nhưng hiện nay, với sự ra đời của các dòng chip xử lí 6 lõi (như core i7 hay phenom ii x6), toả nhiệt nhiều, thì việc tản nhiệt bằng chất lỏng đã trở nên rất đáng quan tâm. với yêu cầu xử lý cao, nhanh và ít tiếng ồn, giải pháp tản nhiệt này là tối ưu.

Nguyên lý của tản nhiệt bằng chất lỏng khá đơn giản: đây là một hệ thống sử dụng chất lỏng (nước pha thêm chất làm nguội màu xanh) lấy nhiệt từ CPU ra bên ngoài để xử lý. Nhờ không bị hạn chế không gian hạn hẹp bên trong máy mà việc tản nhiệt này diễn ra nhanh chóng và đạt hiệu quả rất cao. Một hệ thống làm mát bằng chất lỏng gồm: waterblock (khối nước), reservoir (bồn chứa), radiator (bộ xử lý nhiệt), hose (ống dẫn), pumb (máy bơm) và liquid (chất lỏng tản nhiệt).

1. Waterblock

Hiểu đơn giản đây là một khối kim loại dẫn nhiệt tốt (thường là bằng đồng hoặc nếu cao cấp sẽ là bằng bạc), là nơi trung gian trao đổi nhiệt giữa chất lỏng và CPU. Trên waterblock có 2 đến 4 cột để đẩy nước ra hay vào. Bên trong waterblock có cấu tạo rỗng, loại cao cấp thì sẽ có thêm các lá mỏng hay các cột (giống như cột tản nhiệt của tản nhiệt khí) để tăng diện tích tiếp xúc giúp cho chất lỏng thu nhiệt dễ dàng. Bạn nên chú ý việc gắn chặt waterblock vào mainboard, nếu không thì sau này nó sẽ lung lay (do áp lực nước khá lơn) và gây hư hại khá nghiêm trọng, nếu lỡ gãy chốt và bật trúng vào các tụ điện thì hậu quả khôn lường.

2. Bồn chứa

Là nơi chứa chất lỏng. Thường bộ phận này được tách rời và gắn vào trong thùng máy, đối với những bộ tản nhiệt cao cấp thì bồn chứa nước được gắn liền trung tâm xử lý  nhiệt và máy bơm. Đối với bồn chứa thì chọn loại 5 - 10 lít là được, lưu ý chỉ nên dùng loại có kích thước vừa vặn nếu bạn có ý định đặt trong thùng máy để giảm không gian chiếm dụng.

3. Bộ xử lý nhiệt

Đây là bộ phận quan trọng nhất của toàn bộ hệ thống tản nhiệt, nơi xử lý toàn bộ nhiệt lượng do CPU toả ra. Nó được cấu tạo từ một màn kim loại (thường là nhôm hoặc đồng, rất ít là bạc) gồm nhiều rãnh cùng một quạt công suất cao. Chính nhờ màn kim loại này mà diện tích nước được tiếp xúc với không khí (mát) rất lớn nên hiệu quả cao, nhiệt độ chất lỏng đi từ waterblock so với đi ra từ radiator chênh lệch khoảng 40 độ C.

4. Chất lỏng tản nhiệt

Đây là bộ phận giữ vai trò vận chuyển nhiệt từ waterblock sang radiator. Nếu không có yêu cầu quá cao cấp, bạn nên dùng nước thường là đủ. Tuy nhiên trên thị trường hiện có loại nước pha màu xanh, gồm nước thường và một ít coolant (có tác dụng làm mát trong xe ôtô), giá cũng khá rẻ, giúp việc tản nhiệt tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra có những hãng sản xuất trọn bộ tản nhiệt sử dụng loại chất lỏng đặc chế, chất lỏng dạng này tản nhiệt tốt, nhưng lại có tỉ khối khá lớn nên sẽ gây khó khăn cho máy bơm có công suất nhỏ.

5. Ống dẫn

Trên thị trường các ống dẫn đều được làm trong suốt, nhờ thế mà các máy tính tản nhiệt bằng nước thường trông rất đẹp nhờ màu xanh của coolant. Khi đi mua, bạn nên lựa chọn các ống dẫn có kích thước phù hợp với kích thước của cột ở trên waterblock và radiator. Cần kiểm tra kỹ các chốt vặn xem có chắc không, vì nếu chỉ cần tồn tại một điểm nhỏ rò rỉ chất lỏng, mainboard cùng card màn hình (thường gắn ở dưới waterblock) sẽ “lãnh đủ”.

6. Máy bơm

Là bộ phận tạo lực luân chuyển chất lỏng. Thường thì các máy bơm có công suất khoảng 70W, có cổng lấy điện từ nguồn của PC (12V), nhưng các loại công suất lớn thì sẽ lấy điện ở ngoài (220V hoặc 110V nếu có bộ giảm áp). Như đã nói ở trên, tùy theo   chất lỏng mà khả năng đẩy (lít/giờ) sẽ thay đổi. Một máy bơm tốt sẽ giải quyết được đầy đủ các vấn đề: sức nén, công suất, độ ồn và điện năng tiêu thụ. Hầu hết các máy bơm đều được đặt ở bên ngoài case, nên vấn đề tiếng ồn không quan trọng lắm. Điều cần chú ý khả năng nén và công suất. Bạn cũng nên lưu ý mối tương quan giữa chiều dài của ống dây với công suất của máy: ống dây càng dài thì áp lực nước và tốc độ càng giảm. Một số máy bơm còn có thêm bộ phận cảm biến tự động giúp tự giảm hay tăng lực nén và công suất để giảm điện năng tiêu thụ, đây là một điểm sáng giá với mục đích tiết kiệm điện.

Các bộ nguồn có điều chỉnh thủ công cũng có nhiều ưu thế hơn các loại thông thường.

Khi đặt máy bơm nên đặt trên các kệ hoặc mặt bàn nằm ngang. Các góc của bơm thường có đế cao su để cố định giữ chắc bơm khi hoạt động.

Việc chọn lựa các thiết bị ở trên tuy khá phức tạp nhưng sẽ giúp tiết kiệm tiền bạc. Kiểm tra một vòng qua các nơi bán linh kiện máy tính và trên mạng, việc trang bị một hệ thống nói trên chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Ngoài cách chọn trên, nếu bạn dư dả tiền bạc có thể chọn lựa những bộ sản phẩm tản nhiệt bằng chất lỏng đầy đủ của các hãng danh tiếng như Corsair, CoolerMaster hay Thermaltake. Có thể kể thêm Aquagate S1, Corsair Hydro H50 hay Thermaltake CL-W0175. Các loại này được tính toán thiết kế tối ưu và được bảo hành 2 năm, giá thường dao động khoảng 3 triệu đồng. Vì là sản phẩm đặc chế nên các bộ phận như bồn chứa, máy bơm và bộ xử lý nhiệt nằm “dính” với nhau và dễ dàng đặt trong case (với loại trung bình hoặc lớn). Có một số loại có móc treo nằm phía ngoài để có thể gắn vào phía sau case (nơi có các lỗ cắm VGA, nguồn, USB...).

Theo kinh nghiệm, tốt nhất là nên đặt dưới mặt bàn hơn là treo “lủng lẳng”, như thế vì sẽ gây ảnh hưởng lớn tới độ ổn định khi hoạt động.

TRẦN NGUYỄN THIỆN HẢI - ngoctraiden.4171@gmail.com
Follow Theo Khoa Học Phổ Thông (hdhoa)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication