» Today: 24/04/2024
Agriculture
Mô hình nuôi rắn bán hoang dã
Tại các huyện vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang hiện có nhiều hộ nuôi rắn giống và rắn thịt, đa số là rắn hổ hèo nhưng hầu hết đều nuôi chuồng, chỉ có ông Chau Sóc Kim là người có sáng kiến nuôi theo kiểu bán hoang dã và bước đầu đã đạt kết quả đáng khích lệ.


Ông Kim là người dân tộc Khmer, quê ở ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn - An Giang. Ngay từ ngày đầu khởi nghiệp ông đã có những ý tưởng táo bạo là nuôi tự nhiên ngoài vườn chứ không nuôi lồng, nuôi chuồng như những nơi mà ông đã tham quan. Theo ông, rắn là loài động vật hoang dã, nếu nuôi chuồng chúng sẽ chậm lớn, tốn nhiều thức ăn và chất lượng thịt chắc chắn không bằng nuôi tự nhiên. Từ ý tưởng đó, vợ chồng ông đã vét hết số tiền dành dụm, cộng thêm với tiền vay mượn khoảng 100 triệu đồng để đầu tư vào việc thiết kế một hàng rào kiên cố bằng gạch, quanh khu vườn nhà với diện tích trên 1.000 m2. Xong, ông lặn lội tìm mua 40 kg rắn giống gồm 4 loại không nọc độc như: hổ ngựa, hổ hèo, hổ hành và rắn lãi đem về thả nuôi.

Để tạo môi trường tự nhiên và thân thiện với loài bò sát, ông cho xây hai hàng hộc dài bằng gạch, tạo thành những hang nhân tạo vừa kín đáo vừa yên tĩnh cho rắn tự do ra vào đẻ trứng. Ngoài ra, ông còn xây thêm bồn nước, trồng cỏ dại và cây bóng mát cho rắn trú ẩn và tự tìm kiếm thức ăn.

Ông khẳng định nuôi rắn theo mô hình bán hoang dã sẽ ít tốn thức ăn hơn nuôi chuồng. Cứ vài ba ngày ông lại mua vài chục ký ếch nhái với giá rẻ rồi thả vô vườn cho chúng tự sinh tự diệt theo quy luật tự nhiên. Nhờ có nhiều cỏ cây rậm rạp nên ếch nhái tự kiếm thức ăn như cào cào, châu chấu để sinh tồn, đồng thời chính chúng cũng là mồi ngon cho lũ rắn. (Ban đêm ông để đèn khiến cho nhiều côn trùng bay đến làm mồi cho nhái, ếch và cả rắn con mới nở).

Từ cách nuôi đó, số lượng rắn đã tăng dần lên. Theo ước tính, khu vườn của ông hiện có khoảng 2.000 con rắn thương phẩm và rắn giống. Để lấy ngắn nuôi dài, ông đã tuyển chọn những con lớn bán dần với giá từ 200.000 - 500.000 đồng/kg tùy theo loại, cao nhất là hổ hèo (còn gọi ráo trâu) có giá dao động từ 500.000 - 900.000 đ/kg. Ngoài ra ông còn bán rắn hổ hèo bố mẹ với giá từ 4 - 5 triệu đồng/cặp và rắn con với giá từ 300.000 - 500.000 đ/con.

Nhờ vậy mà chỉ sau hơn một năm phát triển ông đã bán đợt đầu được 180 triệu và năm 2010, sau khi trừ hết các chi phí còn lời 300 triệu đồng. Năm nay, ngoài thu nhập tiền rắn giống, ông còn chăm chút cho đàn rắn thịt để bán cho các nhà hàng nhân dịp tết Nhâm Thìn.

Theo Phòng bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, thuộc Chi cục kiểm lâm An Giang thì địa phương hiện có khoảng 10 hộ nuôi rắn được chi cục thường xuyên kiểm tra, quản lý và cấp giấy phép, tạo điều kiện cho người nuôi vận chuyển, tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài tỉnh một cách dễ dàng.

Thành Hiệp
Follow Khoahocphothong (htthanh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication