» Today: 28/03/2024
Agriculture - Forestry - Fishery
Bệnh hại cây hành khi có củ
Hiện nay phần lớn diện tích cây hành trồng ở các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Thanh Hà… tỉnh Hải Dương đang ở giai đoạn xuống dọc hình thành củ. Đây là thời kỳ nhiều bệnh hại trên cây hành có xu hướng phát triển mạnh gây tổn thất lớn trong sản xuất.


Điển hình, phổ biến là các bệnh đốm khô lá hành, bệnh thán thư, bệnh sương mai, bệnh thối ướt vi khuẩn, bệnh thối cổ hành… Để giúp bà con dễ nhận biết, chủ động phòng trừ bệnh kịp thời có hiệu quả, chúng tôi lưu ý một số đặc điểm triệu chứng và cách phòng chống như sau:
-    Bệnh đốm khô lá hành phá hại mạnh giai đoạn hình thành củ đến thu hoạch. Vết bệnh thường hình thành ở giữa các lá bánh tẻ và lá già, hình bầu dục, màu nâu đen trên nền xám trắng. Vết bệnh kéo dài dọc lá (10 – 30 cm), khi trời ẩm ướt thường tạo lớp nấm màu đen trên bề mặt. Bệnh nặng làm thân cây hành gãy gục ở giữa và khô lụi…
-    Bệnh thán thư hành hại cả lá, thân giả hành và củ hành. Vết bệnh thường có hình bầu dục, kích thước nhỏ hơn (4-5 x 2-3 mm), ở giữa màu xám trắng, xung quanh có viền nâu, màu vàng nhạt, trên vết bệnh thường thấy nhiều chấm đen nhỏ xếp theo đường vòng đồng tâm (là đĩa cành nấm). Cây bị bệnh nặng, thân, lá khô xác, củ nhỏ và dễ bị thối củ khi gặp mưa.
-    Bệnh sương mai hành vết bệnh dạng hình bất định, lúc đầu màu trắng xám sau to dần màu xám tím, gặp tiết trời ẩm ướt thường hình thành một lớp nấm bông xốp, màu trắng xám trên mô bệnh.
-    Bệnh thối ướt (thối mềm) do vi khuẩn Erwinia carotovora có triệu chứng khác hẳn các bệnh hại trên. Vết bệnh thường xuất hiện trên rễ (hoặc cổ rế, gốc hành) lúc đầu có dạng trong giọt dầu về sau mô bệnh thối nhũn, màu đen. Vi khuẩn làm mô củ thối rữa có mùi khó chịu, rễ thâm đen, lá và cây héo dần, gây hiện tượng chết rạp hàng loạt. Củ bệnh thâm đen có vòng đồng tâm, nếu bóp nhẹ có nhiều dịch vi khuẩn chảy ra màu trắng đục (trắng kem).
-    Ngoài các bệnh hại trên, cây hành còn bị bệnh thối cổ hành do nấm Botrytis cinerea, bệnh thối hạch do nấm Sclerotium phá hại…
* Các bệnh hại trên thường phát triển trong điều kiện ẩm ướt và có nhiệt độ thích hợp từ 18 – 25 độ C, phá hại mạnh giai đoạn hành xuống dọc hình thành củ kéo dài đến thu hoạch, thậm chí nhiều bệnh hại cả thời kỳ bảo quản sau khi thu hoạch làm giảm năng suất và chất lượng củ hành giống…
* Để chủ động phòng chống tốt các bệnh hại cây hành giai đoạn xuống dọc hình thành củ, bà con cần chú ý thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật canh tác và xử lý thuốc phòng chống bệnh kịp thời như sau:
1/ Thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để phát hiện các loại bệnh hại sớm.
2/ Theo dõi sát sao tình hình diễn biến của thời tiết. Trong điều kiện trời âm u, mưa ẩm hoặc nhiều sương, nhiệt độ không khí thấp trên dưới 20 độ C, bệnh sương mai, đốm khô lá,… dễ phát triển phá hại. Trái lại trong điều kiện mùa đông ấm, nhiệt độ cao hơn 25 độ C, bệnh thán thư, thối cổ rễ, bệnh thối ướt,… sẽ phá hại nặng hơn.
3/ Bón phân thúc cho cây hành cần chú ý tỉ lệ phân đạm và phân kali, hạn chế đạm vô cơ khi bệnh xuất hiện và không bón phân thúc muộn.
4/ Cần chú ý tưới nước hợp lý dể giảm độ ẩm trên ruộng hành. Mặt khác đất quá ẩm, rễ hành dễ bị ngộ độc và bệnh thối ướt vi khuẩn phát triển gây hại nặng.
5/ Vệ sinh ruộng hành, bảo đảm sạch cỏ thường xuyên, kết hợp tỉa bỏ lá già, lá bị nhiễm bệnh, tiêu hủy tàn dư và cỏ dại ngay sau khi thu hoạch…
6/ Lựa chọn thuốc đặc trị để phòng trừ, xử lý kịp thời khi bệnh mới xuất hiện trên hành:
-    Đối với các bệnh do nấm phá hại như bệnh đóm khô lá, thán thư, sương mai, thối cổ hành, thối hạch,… dùng thuốc Nativo 750 WG với liều lượng 0,12 – 0,15 kg/ha (pha 1 gói 3g cho 1 bình 8 lít nước) cộng với thuốc Antracol 70 WP liều lượng 1,5 - 2kg/ha (pha 1 gói 25g cho 1 bình 8 lít nước). Hai thuốc này kết hợp với nhau để phun phòng trừ tất cả các bệnh nấm hại trên cây hành.
Thuốc Nativo 750 WG là thuốc trừ nấm thế hệ mới, có đặc tính lưu dẫn cao, tác động kép tổng hợp, thấm sâu nhanh chóng rửa trôi, có hiệu quả cao phòng trừ được tất cả bệnh nấm và có tác dụng kích thích cây hành sinh trưởng tốt hơn. Thuốc Antracol ngoài tác dụng diệt nấm còn bổ sung cho cây hành một lượng lớn kẽm (Zn++) dễ tiêu (150g kẽm/1kg thuốc) nhờ đó cây hành phát triển mạnh, tăng khả năng chống chịu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi.
* Ngoài hai thuốc trên đối với bệnh sương mai hại cây hành, bà con có thể dùng thuốc Aliette 800 WG (1,5kg/ha) hoặc thuốc Melody Duo 66,75 WP (1,5kg/ha). Đây là những thuốc đặc trị bệnh sương mai (mốc sương) trên hành.
- Đối với bệnh thối ướt vi khuẩn, khi cây hành bị bệnh bà con cần chú ý nhổ bỏ và xử lý vôi bột vào gốc kịp thời để tránh bệnh lây lan rộng.
*  Để tăng cường sinh trưởng cho cây hành, khắc phục sự mất cân đối dinh dưỡng, bà con có thể bổ sung các loại khoáng chất tinh khiết cho cây hành bằng cách phun lên lá thuốc Bayfolan 11-8-6 với liều lượng 25ml thuốc/bình 8 lít nước hoặc 50ml/bình 16 lít.
* Thu hoạch hành nên chọn ngày nắng ráo, khi để giống hành cần loại bỏ những củ bị sâu bệnh hại hoặc bị giập nát, sây sát và không cắt lá khi hành chưa khô. Khi bảo quản hành, cần chú ý phơi khô cả mặt trên và mặt dưới bó hành. Kho, giàn bảo quản hành giống phải đảm bảo luôn khô ráo, thông thoáng vì điều kiện nhiệt độ cao và ẩm ướt là hai nhân tố cơ bản dẫn đến củ hành giống bị hao hụt và nhiễm nhiều bệnh gây thiệt hại lớn ở giai đoạn trồng hành vụ sau.
PGS.TS. Nguyễn kim Vân
Follow Báo Nông nghiệp Việt Nam (tttham)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication