» Today: 28/03/2024
Agriculture - Forestry - Fishery
Giống cam mật không hạt
Hiện nay nhiều tỉnh ở Nam bộ, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long đang rộ lên phong trào tìm mua và trồng giống cam mật không hạt do chất lượng cao, bán được giá, cho lợi nhuận cao.


Đáp ứng yêu cầu của nhiều bạn đọc, NNVN giới thiệu tóm tắt đặc điểm giống, sinh lý, sinh thái và cách trồng giống cam mật không hạt để bà con các nơi tham khảo, vận dụng.

Nguồn gốc

KS. Nguyễn Nhật Trường, Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) cho biết năm 1974 Ông Nguyễn Văn Lộc (Mười Nhỏ) ở xã Phụng Hòa, Huyên Cai Lậy, Tiền Giang tìm thấy một cây cam mật được trồng từ hạt nhưng cho quả không có hạt, chất lượng vẫn thơm ngon như những trái cam mật có hạt khác mà lại bán được giá cao nên đã chiết cành nhân rộng ra trong vườn cho thu nhập khá. Những năm tiếp theo bà con quanh vùng xin giống mang về trồng, hiện nhiều nơi đã có cam mật không hạt nhưng tỷ lệ đậu trái đạt thấp.

Thông qua các kỳ thi chọn trái ngon Nam Bộ, các nhà khoa học SOFRI đã tuyển chọn giống cam không hạt này làm cây đầu dòng và bố trí các thí nghiệm theo dõi, chọn lọc và phục tráng nhằm tạo ra giống cam mật không có hạt có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ chương trình phát triển cây ăn quả đặc sản của các tỉnh vùng ĐBSCL theo hướng SX hàng hóa tập trung để xuất khẩu.

Hiện nay giống cam mật không hạt của SOFRI đang được trồng nhiều tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến tre… đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia và cho phép phát triển trong SX tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh vùng ĐBSCL và vùng cao Lâm Đồng từ tháng 4/2010.

Đặc điểm

Cây có dạng hình cầu vươn cao, khả năng ra hoa mạnh, hạt phấn có tỷ lệ bất dục rất cao, trên 95%. Quả hình cầu, vỏ có màu từ xanh vàng đến vàng xanh khi chín, tính không hạt của quả rất ổn định ngay cả trong điều kiện thụ phấn nhân tạo với các giống cây có múi khác (bưởi da xanh, bưởi Năm roi, cam sành, cam dây, cam đường).

Khối lượng quả bình quân 150-270g, chất lượng quả ngon, thịt màu vàng tươi, độ dày vỏ từ 3,5-4mm, tỷ lệ dịch quả 36-52%, độ brix 8-10%, acid tổng số 0,5-0,6h/100ml dịch quả, hàm lượng vitamin C đạt 30-32mg/100ml dịch quả; hoàn toàn không có hạt; năng suất trung bình 20-30kg/cây/năm ở 4-5 năm tuổi.

Theo dõi nhiều năm liên tục các nhà khoa học SOFRI nhận thấy, nếu để tự nhiên, mặc dù cây ra hoa rất nhiều nhưng tỷ lệ đậu trái thường đạt thấp, xấp xỉ 25% do khả năng tự thụ phấn của giống bị hạn chế. Kết quả thí nghiệm thụ phấn nhân tạo bổ sung đã nâng tỷ lệ đậu quả lên 45% làm tăng nâng suất thu hoạch, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cây có khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu vùng ĐBSCL và vùng cao (ở Lâm Đồng).

Canh tác

Theo KS. Nguyễn Nhật Trường, kỹ thuật canh tác giống cam mật không hạt này cũng giống như đối với các giống cam khác, tuy nhiên cam mật không hạt có khả năng ra hoa rất mạnh nhưng do đặc tính không hạt làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả và năng suất, có thể khắc phục bằng cách trồng xen với các giống cam quýt thương mại khác để làm tăng tỷ lệ đâuh quả.

Thời điểm thu hoạch cam mật không hạt thích hợp nhất là 33-34 tuần sau khi hoa nở sẽ cho màu sắc, hình thái bên ngoài lẫn chất lượng mùi vị bên trong của quả tốt nhất, cao nhất. Có thể bảo quản quả tươi ở nhiệt độ 80 độ C được 12-13 tuần mà vỏ quả vẫn giữ được màu vàng tươi tự nhiên, chất lượng ổn định.

Công Hào
Follow Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication