» Today: 04/05/2024
Mechanical Manufacturing
Anh thợ làng và niềm đam mê sáng tạo
Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo cát trắng, Trần Đình Lai (sinh năm 1975) ở thôn An Xuân, xã Quảng Thọ (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đã vươn lên làm giàu bằng nghị lực và niềm đam mê sáng tạo.


Khởi đầu từ sự đam mê

Lòng vòng mãi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được xưởng cơ khí Bạch Lai do anh Trần Đình Lai làm chủ. Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại của khách hàng. “Tôi vừa nhận được một đơn đặt hàng lớn từ TP. Hồ Chí Minh”, Lai vui vẻ khoe.

Nhâm nhi tách trà, Lai quay về thời thơ bé: “Hồi nhỏ, tôi rất thích sáng tạo, tôi thường tự chế các đồ chơi cho riêng mình như: xe ô tô, máy bay… Niềm tôi đam mê ngành cơ khí ngấm vào máu lúc nào không hay”. Sau đó, Lai thi vào Trường Trung cấp cơ khí Huế, cùng với lòng yêu nghề anh đã không ngừng nghiên cứu, chế tạo các loại máy móc có tính ứng dụng cao. Thấy trên địa bàn mình có nhiều phế thải nông nghiệp như trấu, mùn cưa, rơm rạ… nhưng lại bị sử dụng một cách lãng phí, anh tự nhủ phải tạo ra một loại máy có thể tận dụng nguồn phế thải trên.

Sau nhiều năm nghiên cứu, đầu tháng 9/2008, anh đã chế tạo thành công chiếc máy ép củi trấu đầu tiên, được Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế tiến hành nghiệm thu và cấp phép hoạt động sản xuất. Lai tâm sự: “Chiếc máy ép củi trấu ra đời là một thành công lớn của tôi, nó có thể làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường lại vừa tạo ra nguồn chất đốt giá rẻ mà không độc hại cho người dân”.

Máy hoạt động dựa trên nguyên lý nén bằng trục vít có va nhiệt. Lúc đầu trấu được đưa vào máy ép, bộ phận sấy tự động sẽ làm giảm nhiệt độ của trấu xuống còn dưới 14%. Sau đó ép thành củi cứng dạng ống dài khoảng 40cm.

Phát huy…

Chiếc máy ép củi trấu do Lai sáng chế đã cung cấp được nguồn chất đốt giá rẻ cho người dân. Theo anh Lai, cứ 1,05kg trấu sẽ tạo ra 1kg củi trấu, được bán ra thị trường với giá 800-1.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với củi gỗ và than đá. Điều quan trọng hơn cả là sử dụng củi trấu rất đơn giản và không độc hại.

Đến nay, Lai đã thành lập Công ty TNHH Bạch Lai, đóng ngay trên địa bàn nơi anh sinh sống nhằm cung cấp chất đốt và tạo công ăn việc làm cho người dân. Ngoài ra, anh còn mở rộng cơ sở ở các tỉnh: Quảng Trị, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh… nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Lai cho biết: “Hiện có rất nhiều đối tác nước ngoài đặt hàng như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây là cơ hội để tôi có thể mở rộng sản xuất, đáp ứng đủ số hàng xuất khẩu, đặc biệt là giải quyết việc làm cho người dân”.

Chị Đặng Thị Bé, một người dân trong thôn An Xuân tâm sự: “Củi trấu rất dễ sử dụng lại bắt lửa nhanh, không những cháy lâu mà còn không gây ô nhiễm môi trường”. Ông Hoàng Lời, Trưởng thôn An Xuân cho biết: “Việc anh Lai chế tạo thành công máy ép củi trấu không những đáp ứng nhu cầu về chất đốt trên địa bàn mà còn góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Anh Lai là một thanh niên nhiệt huyết, đã có nhiều cống hiến cho địa phương”.

Lai cho biết, xưởng của anh vừa chế tạo thành công chiếc máy cắt đá liên hoàn với nhiều tính năng vượt trội. Trước đây, anh cũng từng chế tạo thành công máy cắt lúa, máy cày… Niềm vui lớn đã đến với Lai khi anh nhận được Giải thưởng Lương Định Của năm 2011 cùng nhiều giải thưởng khác.

Chia tay Lai, tôi tin, bằng lòng nhiệt huyết, đam mê sáng tạo, nhất định anh sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Quang Tiến
Follow agroviet.gov.vn (htthanh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication