» Today: 27/04/2024
Activities
Nhiều thành tựu trong lĩnh vực SHTT thời gian 2006-2010
Giai đoạn 2006 – 2010, hệ thống pháp luật về SHTT không ngừng được hoàn thiện, bắt đầu với việc đưa các quy định sửa đổi về SHTT trong Bộ luật Dân sự và các quy định mới của Luật SHTT (2005) vào thực tiễn thông qua việc ban hành một cách có hệ thống các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT (3 Nghị định quy định chi tiết và 1 Thông tư hướng dẫn thi hành) trong năm 2006.


Sau 5 năm kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) bắt đầu có hiệu lực (2006), hoạt động SHTT ở cấp Trung ương và địa phương đều đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong đó nổi bật là hệ thống pháp luật về SHTT đã tương đối đầy đủ và phát huy hiệu quả pháp lý, công tác tuyên truyền đã đi vào nề nếp với những hoạt động được duy trì ổn định, công tác phát huy năng lực sáng tạo trong nhân dân đã trở thành thường niên…

Nhiều quy định được ban hành

Giai đoạn 2006 – 2010, hệ thống pháp luật về SHTT không ngừng được hoàn thiện, bắt đầu với việc đưa các quy định sửa đổi về SHTT trong Bộ luật Dân sự và các quy định mới của Luật SHTT (2005) vào thực tiễn thông qua việc ban hành một cách có hệ thống các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT (3 Nghị định  quy định chi tiết và 1 Thông tư  hướng dẫn thi hành) trong năm 2006.
Năm 2008, 5 văn bản pháp luật  của các Bộ, ngành có liên quan cũng đã được ban hành nhằm giải quyết những vướng mắc trong việc thi hành Luật SHTT cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác thực thi quyền.

Năm 2009, nhằm theo kịp với tình hình trong nước và xu thế hội nhập thế giới, Luật SHTT, Bộ luật Hình sự (phần SHTT) cũng đã được sửa đổi, từng bước hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về SHTT. Kèm theo đó là 2 Thông tư  liên quan đến giám định và phí, lệ phí cũng được sửa đổi cho phù hợp với các nội dung sửa đổi Luật SHTT.

Năm 2010 là năm đánh dấu bước hoàn thiện hệ thống pháp luật tiếp theo thông qua việc sửa đổi 3 Nghị định  quy định chi tiết để phù hợp với Luật SHTT mới.

Cũng trong năm này, Nghị định mới  về đăng ký kinh doanh với các quy định nhằm tránh tình trạng đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước cũng được ban hành, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động áp dụng pháp luật về SHTT.

Từ ngày 9-13/11/2011, tại Tp.HCM sẽ diễn ra Hội nghị Sở hữu trí tuệ toàn quốc. Nhân dịp này, báo Đất Việt xin giới thiệu loạt bài khái quát về tình hình thực hiện hoạt động Sở hữu trí tuệ diễn ra trên toàn quốc trong thời gian qua.

Ngoài ra, thực hiện Đề án cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) đã tiến hành sửa đổi một số quy định  nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, theo đó tổng số 31 thủ tục liên quan đến hoạt động xử lý đơn đăng ký SHCN đã được tiến hành rà soát và 27 thủ tục, 9 mẫu đơn đã được sửa đổi trong các đợt rà soát này.

Nổi bật nhất là sau 14 vòng đàm phán đa phương chính thức và nhiều cuộc đàm phán song phương trong khuôn khổ WTO (trong đó Cục SHTT tham gia các nội dung liên quan đến SHTT), năm 2006, Việt Nam đã kết thúc quá trình đàm phán và hoàn tất Báo cáo của Ban công tác về việc gia nhập WTO. Cùng với các cơ quan ban ngành khác, Cục SHTT đã hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện cam kết về SHTT trong WTO và đến năm 2008, Cục SHTT đã thực hiện thành công nghĩa vụ rà soát hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam tại Hội đồng TRIPS.

Việc nghiên cứu tham gia đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế song phương và đa phương về SHTT cũng được thực hiện với nhiều nỗ lực như: hoàn thành các thủ tục cần thiết để gia nhập Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 11/07/2006); tham gia chuẩn bị nội dung SHTT trong Hồ sơ xin hưởng GSP của Hoa Kỳ; xây dựng quan điểm và tham gia đàm phán nhiều điều ước quốc tế (nội dung về SHTT), trong đó ngoài một số văn kiện vẫn đang trong quá trình đàm phán , nhiều văn kiện đã được hoàn thiện và ký kết.

Hoạt động quản lý nhà nước đối với các đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN) đã được chú trọng. Các kỳ thi kiểm tra nghiệp vụ đại diện không ngừng được đổi mới nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ đại diện SHCN. Đến tháng 10/2010, đã có 125 tổ chức được ghi nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN và 278 cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện.

Trong vòng 5 năm, Cục đã tiếp nhận 149.361 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp các loại, trong đó có 14.697 đơn đăng ký sáng chế, 1.292 đơn đăng ký giải pháp hữu ích, 8.861 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 124.481 đơn đăng ký nhãn hiệu và 30 đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Đã có 97.471 văn bằng bảo hộ được cấp, trong đó có 3.588 bằng độc quyền sáng chế, 352 bằng độc quyền sáng chế (cho giải pháp hữu ích), 6.270 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 87.240 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và 21 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được cấp.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Mỗi năm Cục đều phối hợp với Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 2 khóa đào tạo và huấn luyện về SHTT tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Những năm gần đây, để phát triển thêm nguồn nhân lực SHTT có chất lượng cao, Cục SHTT cũng đã phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai các lớp đào tạo chuyên sâu về pháp luật SHTT.

Ngoài ra, hàng năm nhân dịp Ngày SHTT thế giới (26/4), các hoạt động tuyên truyền về SHTT đã trở thành thông lệ và được thực hiện rộng khắp trên cả nước. Đây là một dấu hiệu cho thấy vấn đề SHTT ngày càng được quan tâm hơn.

Đặc biệt, các hạng mục công việc thuộc Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (Chương trình 68) đã được triển khai khẩn trương, đúng trình tự và thủ tục quy định. Trong giai đoạn vừa qua, Chương trình chủ yếu tập trung vào các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHCN, hỗ trợ việc xây dựng, đăng ký xác lập quyền đối với các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Chương trình đã có đóng góp lớn trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về SHCN và giúp nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam thông qua việc xây dựng, đăng ký xác lập quyền SHCN.

Ngoài việc tra cứu thông tin theo yêu cầu của các cá nhân, Cục Sở hữu trí tuệ đã thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn tra cứu thông tin như hướng dẫn tra cứu thông tin sáng chế cho thủ thư và chủ nhiệm các đề tài trọng điểm của các trường đại học (ĐH) cũng như các khu công nghiệp (như ĐH Bách khoa Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc…) nhằm đẩy mạnh việc sử dụng, khai thác thông tin sáng chế…

Tăng số lượng cán bộ chuyên trách

Có thể nói trong vòng 5 năm qua, từ việc số lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực SHTT có rất ít (84 cán bộ), chỉ tập trung tại một số tỉnh, thành phố lớn, đến nay con số này đã lên tới 160 cán bộ, trong đó có 84 cán bộ chuyên trách.

Mặc dù phần lớn nhân sự lĩnh vực SHTT vẫn được lồng ghép vào các phòng chuyên môn, nhưng số lượng các phòng chuyên trách về SHTT tại các địa phương ngày một tăng lên, thể hiện nhận thức về tầm quan trọng của SHTT ngày càng được nâng cao. Tính đến nay đã có 10 Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KHCN)  có bộ phận độc lập chuyên trách quản lý về SHTT (thành lập Phòng SHTT riêng).

Nếu như trong những năm đầu Luật SHTT có hiệu lực, các địa phương chỉ tổ chức được 92 lượt tuyên truyền, phổ biến kiến thức thì đến năm 2009, con số này đã lên tới 161 lượt và đến 2010 đã tăng lên 281 lượt (trong đó 55 cuộc hội thảo, 83 lượt tuyên truyền, phổ biến kiến thức và 143 đợt tập huấn nghiệp vụ về SHTT).

Không chỉ tập trung tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm, hoạt động này hiện đã được nhân rộng hầu khắp các địa bàn trên cả nước. Nội dung tuyên truyền cũng ngày một phong phú hơn, từ việc chỉ tổ chức hội thảo, báo cáo, phát tờ rơi… đến nay nhiều địa phương đã xây dựng được các chương trình truyền hình, gameshow, giải đáp một cách thường xuyên và cố định trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài việc liên tục được hỗ trợ từ cơ quan SHTT trung ương cũng như các chương trình hỗ trợ cấp Chính phủ, việc xây dựng các chương trình tuyên truyền quảng bá và duy trì các nội dung này thành các hoạt động thường xuyên đã khẳng định vai trò chủ động cũng như nỗ lực tự thân của các địa phương ngày càng được chú trọng và phát huy tích cực.

Công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân địa phương xác lập và bảo vệ quyền SHTT hiện đã trở thành những hoạt động thường xuyên của hầu hết các Sở KHCN và đã đạt được những kết quả khả quan. Số lượt tư vấn tăng dần đều qua các năm.

Số liệu thống kê không đầy đủ từ các địa phương cho thấy trong năm 2006 số lượt tư vấn chỉ ở con số 2.508 lượt thì đến năm 2007 đã tăng lên 2.758 lượt và năm 2010, số lượt tăng gấp rưỡi với tổng số 4.338 lượt tư vấn).

Một số địa phương tiêu biểu luôn có những hoạt động tuyên truyền tích cực và có hiệu quả có thể kể đến như An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng... Ngoài các tỉnh có những hoạt động SHTT mạnh mẽ do quy mô, do điều kiện phát triển kinh tế..., một số tỉnh miền núi như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lai Châu... trong những năm gần đây đã vươn lên thành những tỉnh có vai trò rất tích cực trong các hoạt động này.

Bên cạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể các hoạt động SHTT tại địa phương mình, các địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành các chính sách phối hợp hành động với các cơ quan hữu quan, đẩy mạnh công tác thực thi bảo vệ quyền, và đặc biệt là các chính sách liên quan đến thúc đẩy hoạt động sáng tạo (thông qua các Hội thi sáng tạo thường niên) và chính sách bảo hộ sản phẩm đặc sản địa phương.

Cùng với nhận thức được nâng cao và vai trò chủ động của các địa phương trong việc phối kết hợp giữa các cơ quan nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền SHTT, trong giai đoạn 2006 – 2011 hàng loạt các vụ xâm phạm quyền SHTT đã bị xử lý (hơn 4.000 vụ), trong đó riêng năm 2010 đã xử lý 1.632 vụ với tổng số tiền phạt lên tới gần 4,6 tỷ đồng.

Ngoài việc hỗ trợ và cung cấp ý kiến chuyên môn kịp thời cho các cơ quan thực thi quyền SHTT tại địa phương, công tác phối kết hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi trong lĩnh vực SHTT tại địa phương đã có những bước chuyển biến mới như thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, xây dựng cơ chế phối hợp chung trong việc xử lý và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm (Đà Nẵng...) hay áp dụng cơ chế cơ quan quản lý SHTT địa phương chủ động đóng vai trò chủ trì trong công tác thực thi quyền SHTT (Thành phố Hồ Chí Minh...).

Tùy theo từng điều kiện cụ thể, các địa phương đều đã có những hoạt động trao đổi kinh nghiệm và áp dụng linh hoạt các mô hình kết hợp để đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công cuộc phát triển SHTT tại địa phương mình.

Tiếp tục thúc đẩy hoạt động SHTT 
Nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam bằng chính sách sử dụng công cụ SHTT để thúc đẩy hoạt động sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến: Xác định nhu cầu công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm của các ngành và địa phương để có chính sách thúc đẩy phù hợp; Hỗ trợ hoạt động công bố và giới thiệu các công nghệ được bảo hộ của các doanh nghiệp Việt Nam (thông qua chợ công nghệ); Hình thành và phát triển các tổ chức dịch vụ thông tin, tư vấn, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, SHTT; Xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng các công nghệ không được bảo hộ ở Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác các tài sản trí tuệ của chủ thể Việt Nam: Tư vấn, hỗ trợ để tăng chất lượng đơn (đáp ứng yêu cầu của pháp luật về tiêu chuẩn bảo hộ cũng như khả năng thương mại hóa sáng chế nếu được cấp bằng độc quyền), bao gồm việc hỗ trợ tra cứu tình trạng kỹ thuật, đánh giá khả năng bảo hộ, tư vấn về khả năng thương mại hoá v.v.; Sửa đổi các quy định về phí/lệ phí theo hướng phân biệt mức nộp giữa người nộp đơn đến từ nước phát triển và đang phát triển để hỗ trợ người nộp đơn Việt Nam; 

Nâng cao chất lượng thủ tục xác lập quyền SHCN: trình tự công bằng, minh bạch, tiên đoán được thời gian và kết quả; Cục SHTT bảo đảm thẩm định đơn xác lập quyền đúng thời hạn quy định và bảo đảm chất lượng thông qua việc giám sát chất lượng/tiến độ/trình tự thẩm định; bổ sung nhân lực, vật lực; Các Sở KHCN bảo đảm cung cấp tư vấn, hướng dẫn để nâng cao chất lượng đơn (về cả khía cạnh bảo đảm yêu cầu của pháp luật cũng như ý nghĩa kinh tế của quyền khi được xác lập); Trung ương và địa phương thực hiện các hoạt động hỗ trợ các chủ thể quyền khai thác có hiệu quả quyền SHTT (tuỳ thuộc vào tình hình của từng địa phương để xác định lĩnh vực hỗ trợ trọng tâm).

Mai Hà (Theo Cục SHTT)
Follow http://khoahoc.baodatviet.vn (lntkhanh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication