» Today: 27/04/2024
Activities
Cói Nga Sơn: Bán nắng làm thương hiệu
Cói Nga Sơn, sản phẩm làm nên thương hiệu chiếu Cói Thanh Hóa nổi tiếng vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đây là chỉ dẫn địa lý thứ 28 do Việt Nam bảo hộ.


Nôi của cây và nghề cói

Theo khảo sát và tính toán của Viện Thổ nhưõng Nông hoá cho thấy, chiều cao bình quân của cây cói Nga Sơn đạt 162,7 cm; trong khi chiều dài cây cói Vĩnh Bảo (Hải Phòng) là 136,4 cm; của cói Hậu Lộc (Thanh Hoá) là 142,4 cm; của cói Kim Sơn (Ninh Bình) là 104,1 cm; của cói Tiền Hải (Thái Bình) là 129,1.

Chính đặc thù về địa lý, thổ nhưỡng và khí hậu ven biển đã tạo ra vùng trồng cói thuộc huyện Nga Sơn với truyền thống từ nhiều năm nay, đây là ngành sản xuất chính đem lại thu nhập cho nông dân nơi đây. Ý thức được điều đó, người dân các xã vùng trồng cói đã luôn gắn bó cuộc sống lao động sản xuất với cây cói. Vì vậy, con người và tập quán canh tác là một trong những yếu tố góp phần tạo ra danh tiếng cũng như chất lượng của sản phẩm.

Bên cạnh đó, quá trình canh tác lâu đời đã giúp người dân các xã trồng cói Nga Sơn tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, thu hoạch và chế biến cói. Bắt đầu từ giống, ngay từ khi mới bắt đầu trồng, cói được chọn là những mống từ những giống cói già thân ngầm to, khỏe, bánh tẻ, dày mắt, trên các ruộng đã trồng ít nhất ba năm trở lên. Để có được mống cói già, sau khi cắt cói vụ mùa, tiếp tục chăm sóc đến tháng chạp, cói phát triển mạnh, lúc này người dân mới nhổ mống mang trồng. Do được lựa chọn kỹ nên cây cói sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng đồng đều. Khâu làm đất cũng được coi trọng và là một nét đặc trưng của nơi đây. Thông thường, người dân cày đất sâu khoảng 40 cm, sau đó tiến hành bón lót phân xanh hoặc phân hữu cơ.

Cói được thu hoạch bằng cách cắt ngang gốc, việc cắt cói cần phải bảo đảm sao cho loại bỏ được phần đã bị chuyển đổi màu ở sát gốc (do ngâm nước,bùn …), không bị gãy, dập nát và thuận tiện khi thu hồi (cây cói được cắt sao cho cùng ngã về một phía). Cói được thu hoạch trong những ngày nắng, tuỳ thuộc vào chủng loại và mục đích sử dung mà được sơ chế đơn giản hoặc không sơ chế ban đầu, đối với những loại cói dùng để sản xuất sản phẩm được tạo ra từ cây cói nguyên trạng thì sau khi được thu hoạch, cói được đem phơi nắng ngay. Còn hầu hết, ngay sau khi cắt, người dân tiến hành chẻ cói và đem phơi ngay lên những cồn cát.

Đây là một kinh nghiệm về kỹ thuật được cho là sẽ làm cho chất lượng sợi cói trắng, dai, bền và đẹp hơn. Ngoài ra, các kinh nghiệm trong việc chống ẩm, chống mốc, cho cói cũng đảm bảo sản phẩm sau này làm ra đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo số liệu thống kê của cục SHTT, Nga Sơn được coi là vựa cói của cả nước, sản lượng cói nơi đây chiếm khoảng 30% tổng sản lượng cói của cả nước. Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân huyện Nga Sơn, sản lượng cói năm 2009 của toàn huyện đạt gần 30.400 tấn. Trong đó, sản lượng cói sản xuất là trên 19.100 tấn, sản lượng cói mua vào đạt trên 11.200 tấn. Tổng giá trị sản xuất sản phẩm từ cói năm 2009 trên địa bàn toàn huyện đạt 165,457 tỷ đồng, bằng 106,5% so với 2007 và 114,7% so với năm 2008.

Năm 2010 này, huyện Nga Sơn đã bố trí diện tích 1.450 ha cói và phấn đấu năng suất đạt 8 tấn/ha/vụ với sản lượng khoảng 23.000 tấn cói/năm. Các chỉ tiêu ấy tiếp tục được nâng lên trong giai đoạn 2011 - 2015 bởi huyện vẫn đẩy mạnh việc đầu tư thâm canh. Đến hết năm 2011, năng suất cói đại trà phấn đấu khoảng 8,5 tấn/ha/vụ và sản lượng khoảng 24.600 tấn cói. Đến năm 2015, năng suất cói phấn đấu đạt 9 - 9,55 tấn/ha/vụ và cho sản lượng từ 26.000 đến 27.000 tấn.

Tín hiệu vui của nghề cói

Từ lâu, cói được coi là cây xóa đói giảm nghèo của người dân, là cây chủ lực trong cơ cấu phát triến nông nghiệp của huyện. Những năm 70 - 80 của thế kỷ 20, chiếu cói và các mặt hàng từ cói như thảm, túi, làn cói đã ngược xuôi khắp cả nước, bên cạnh việc tiêu thụ mạnh từ thị trường trong nước, các sản phẩm từ cây cói của huyện Nga Sơn còn được các thị trường Liên Xô, Đông Âu ưa chuộng và lượng xuất khẩu sang các thị trường này luôn ổn định ở mức độ cao.

Tuy nhiên, sự biến động của thị trường Đông Âu những năm 90, cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm thay thế chiếu cói đã làm thị trường chiếu cói bị thu hẹp đáng kể, cói và sản phẩm từ cói không có đầu ra và cây cói từ chỗ là cây xoá đói giảm nghèo đã có lúc trở thành cây “tái nghèo” của nhân dân huyện Nga Sơn.

Nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau với hàng nghìn mẫu mã đa dạng, cộng với kỹ thuật tinh xảo từ bàn tay khéo léo của người dân Nga Sơn, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ này đã và đang dần đưa thương hiệu “cói Nga Sơn” trở về vị thế vốn có, thị trường ngày càng mở rộng, người dân lại có thể sống và làm giàu được từ cây cói và nghề cói.  Ðến nay, toàn huyện đã có 3 Công ty và 10 Xí nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng chiếu cói và các sản phẩm từ. Toàn huyện có 35 % số hộ chuyên sản xuất hàng cói, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 2 triệu lá chiếu.

Ông Nguyễn Văn Phùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Nga Sơn cho biết, hiện có nhiều tín hiệu vui cho nghề cói, thật vậy, mặc dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm thay thế chiếu cói, thảm cói và các vật dụng gia đình cùng loại bằng chất liệu nhựa, len, sợi tổng hợp, song nhờ tính ưu việt nhất của sản phẩm cói là dễ phân huỷ khi loại bỏ sản phẩm, không gây ô nhiễm môi trường, nên gần đây có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Nga Sơn để tìm hiểu và mua hàng, đặc biệt là các nước áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cao như Nhật, Úc và các nước Tây Âu.

Cây cói và những sản phẩm từ cói đã đi vào nếp sống của từng gia đình và trở thành nét văn hóa đặc trưng của huyện ven biển này. Sự gắn bó của Nga Sơn với nghề truyền thống càng được tiếp thêm sức mạnh khi thương hiệu, chỉ dẫn địa lý “cói Nga Sơn” chính thức được nhà nước bảo hộ.

Dũng Hà (Cục SHTT)
Follow http://khoahoc.baodatviet.vn (lntkhanh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication