» Today: 19/05/2024
Mechanical Manufacturing
Sáng chế của những... “kỹ sư chân đất” ở Lâm đồng
Vừa qua, Hội nông dân phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, tổ chức cuộc thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ IV và đã thu hút nhiều giải pháp kỹ thuật của nông dân gửi về tham dự.


Ban tổ chức đã trao giải cho 5 công trình sáng chế tiêu biểu, đó là: Lò sấy cà phê hai mặt - Máy đánh và tách vỏ đậu ngự - Máy đỡ đẻ và chăm sóc heo con - Máy đóng đất vô chậu - Máy xay phế phẩm nông nghiệp.
Lò sấy cà phê hai mặt
Trong những năm qua, việc thu hái cà phê của bà con nông dân ở xã Lộc Thanh, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn do khi hái thường không phơi được, sản phẩm sau thu hoạch không đạt theo yêu cầu, gây tổn thất cho người nông dân. Trước thực tế đó, ông Vũ Văn Pháp và ông Phạm Văn Thịnh, ở thôn Thanh Hương 2 đã sáng chế ra “Lò sấy cà phê hai mặt”. Năm 2009, ông Pháp chế lò sấy cà phê với quy mô 20 m2, hệ thống đắp lò đốt dùng hệ thống cánh quạt thổi hơi nóng vào buồng sấy; sấy khoảng 16 - 17 giờ thì được 1 mẻ. Nhược điểm của lò sấy này là phải đảo, vất vả lắm. Hệ thống cánh quạt thổi trực tiếp hơi nóng vào cà phê, nên độ nóng rất cao, từ đó cà phê không đạt tiêu chuẩn, hiệu quả kinh tế thấp. Để khắc phục, ông đã mày mò nghiên cứu thành công lò sấy cà phê mới bao gồm một lò đốt, tiếp sau là lò chứa hơi nóng, từ lò chứa hơi nóng sẽ được một hệ thống cánh quạt gồm 8 cánh hút vào buồng sấy. Buồng sấy được chia làm hai ngăn, phía dưới của ngăn dưới có 2 lỗ dùng để thoát hơi khi sấy mặt trên. Nguyên liệu đốt là vỏ cà phê, thời gian sấy là 15 giờ, trong đó có 8 giờ sấy ở mặt dưới, 7 giờ sấy mặt trên. Có thể dùng mô tơ hoặc máy nổ để kéo cánh quạt, lò sấy mới chỉ cần 2 lao động trong vòng 15 giờ sấy được 1.300 kg nhân, chất lượng cà phê sấy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt suốt trong thời gian sấy không cần phải đảo cà phê như trước.
Máy đánh và tách vỏ đậu ngự
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng nghiên cứu chế tạo thành công máy đánh và tách vỏ đậu ngự. Cấu tạo của máy gồm bộ khung sắt và nắp đậy khung làm bằng tôn; trục quay được gắn với 25 roi đánh bằng sắt so le nhau; bộ phận mặt sàng và sàn lắc có tác dụng sàng cho hạt đậu rơi xuống và chảy ra ngoài; bộ phận cánh quạt để thổi vỏ đậu ra ngoài bằng một ống thổi và một hệ thống lỗ để bỏ đậu vào xay. Máy được gắn 1 mô tơ 1,5 mã lực, đánh được cả đậu xanh và đậu khô, riêng với đậu khô 1 giờ bình quân đánh được từ 700 - 800 kg, với 1 ha chỉ đánh mất 4 - 5 giờ. Nếu so sánh với lao động thủ công thì 1 ha cần 50 lao động, tương ứng tiền công tại thời điểm là 5.000.000 đồng.
Máy đóng đất vô chậu
Máy do nông dân Nguyễn Hồng Chương ở thôn Xuân Thượng, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương chế tạo. Tất cả các bộ phận của máy đều được tự động hóa, gồm 3 động cơ điện, mâm chứa chậu, khoang cung cấp đất, băng tải cung cấp đất, thu hồi đất, khoang chứa đất dư và băng tải chậu. Bộ phận chuyển động gồm gối cam, nhông sên, dây curoa, puluy, các tay đẩy hiệu chỉnh và bánh xe để di chuyển. Máy tự điều chỉnh khuôn chứa chậu theo kích thước của chậu và cung cấp chậu cho máy, có bộ phận làm bằng mặt chậu và tạo lỗ để trồng cây; khi cây trồng trên máy hoàn chỉnh sẽ có bộ phận băng tải vận chuyển chậu ra ngoài; 8 giờ sản xuất được 9.600 chậu, tương đương 19 lao động/ngày.
Máy xay phế phẩm nông nghiệp
Nông dân Vũ Đình Phúc ở đường Nguyễn Siêu, phường 7, TP. Đà Lạt đã chế tạo thành công “Máy xay phế phẩm nông nghiệp” làm phân hữu cơ. Ban đầu, anh làm máy nhỏ, một giờ chỉ xay được 3 m3 phế phẩm, nhưng đến năm 2008, anh đã cải tiến làm máy lớn hơn, đạt công suất mỗi giờ xay 10 m3 phế phẩm. Chiếc máy được làm từ những thanh nhíp ô tô hàn thành vòng tròn theo trục ly tâm và cân bằng lực của các thanh nhíp. Máy có hai bộ phận chính là băng chuyền và cối xay 3 tầng gắn với 1 mô tơ điện trên 20 mã lực có điện năng tiêu thụ là 15 kW, nhưng trong thực tế máy chỉ nặng lúc khởi động, còn khi máy chạy thì đã có lực quay ly tâm của cối nên lúc này mô tơ không có tải, điện năng tiêu thụ giảm đi rất nhiều. Khi băng chuyền đưa phế phẩm nông nghiệp như lá cải thảo, súp lơ, cỏ… trộn với phân đơn chất đến cối xay, chúng được cắt nhỏ ở tầng thứ nhất, được nghiền nhỏ ở tầng thứ hai và được nghiền mịn, trộn đều như phân vi sinh ở ngoài ở tầng thứ ba. Sau đó, phế phẩm xay ra được đem ủ với các loại men để bón cho cây trồng như phân vi sinh. Trước đây, nếu gia đình anh mua 1 tấn phân bón ở ngoài thì phải mất khoảng 1 triệu đồng, nhưng nay chỉ cần mua 200.000 - 300.000 đ phân đơn chất rồi tận dụng phế phẩm nông nghiệp là đã tiết kiệm được hơn 700.000 đ tiền phân bón cho 1 ha rau, hoa.
Nguồn: Khoahocphothong (htthanh)
Print  
Top
© Copyright 2010, Information and Documentation Center under Can Tho Science and Technology Department
Address: 118/3 Tran Phu street, Cai Khe ward, Ninh Kieu district, Can Tho city Tel: 0710 3824031 - Fax: 0710 3812352 Email: tttlcantho@cantho.gov.vn License No. 200/GP-TTÐT dated November 11st, 2011 by Agency for Radio, Television and Electronic Information under Minister of Information and Communication